Điều trị rối loạn tiêu hóa cho trẻ bằng phương pháp dân gian
Theo đông y, rối loạn tiêu hóa ở trẻ em còn gọi là chứng thực tích, tích trệ. Nguyên nhân có thể do ăn uống hay có trùng tích làm ảnh hưởng đến công năng hoạt động của tỳ vị. Y học cổ truyền thường sử dụng các vị thuốc có tác dụng kích thích tiêu hóa có chứa tinh dầu, acid hữu cơ và nhóm có tác dụng làm mạnh tỳ vị điều trị căn bệnh này.
Bên cạnh việc điều trị bằng tây y, chúng ta cũng có thể sử dụng các vị thuốc tiêu thực để chế biến thành các món ăn dinh dưỡng cho trẻ, đồng thời hỗ trợ bộ máy tiêu hóa của trẻ ngăn ngừa các rối loạn đường ruột.
- Cháo rau sam: lấy 50g rau sam tươi rửa sạch cắt thật nhỏ, vài đọt búp ổi non cắt nhỏ, gạo tẻ một nắm, vo sạch, cho vào nồi, đổ thêm nước, đun trên lửa nhỏ. Khi cháo chín và rau nhừ nêm thêm ít muối. Có thể chắt lấy nước cháo cho trẻ uống ngày 2 – 3 lần. Ăn trong 2 – 3 ngày.

- Cháo cà rốt, ô mai mơ: lấy 1 củ cà rốt nhỏ, thêm 5 quả ô mai mơ (xí muội), 1 nắm gạo tẻ, đem cà rốt rửa sạch, thái thật nhỏ, lấy cơm của quả ô mai thái nhỏ, gạo rang vàng. Tất cả cho vào nồi với 200ml nước, đun trên lửa nhỏ, cháo chín là được. Ngày ăn 2 lần lúc đói, ăn liền 2-3 ngày.

- Cháo sơn dược: lấy 1 nắm gạo tẻ, thêm 10g hoài sơn (củ mài), hạt sen 10g. Tất cả cho vào nồi, nước vừa đủ, nấu chín nhừ tán nhuyễn cho trẻ ăn trong ngày.

- Nước nụ vối: Uống thêm nước nụ vối, gừng 2g. Cách làm: Nụ vối, vỏ lựu, gừng rửa sạch cho vào nồi thêm nước đun sôi kỹ, chắt lấy nước bỏ bã. Chia 3 lần uống trong ngày. Cần uống 2 – 3 ngày.

- Nước gạo rang: gạo tẻ 1 nắm đem rang vàng, cho vào nồi thêm nước đun sôi kỹ, lấy nước gạo rang pha bột cho trẻ uống, có thể dùng trong 2 – 3 ngày, khi thấy dứt các triệu chứng trên thì ngưng.

Có thể xoa bóp quanh vùng rốn để làm giảm cảm giác đầy trướng cho trẻ.
Lưu ý: Nếu điều trị cho trẻ 2 – 3 ngày bệnh không thuyên giảm cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị.
Theo: Sức khỏe và Đời sống
Nghi ngờ có dấu hiệu mắc bệnh?
Đừng ngại ĐẶT CÂU HỎI trực tuyến để được tư vấn miễn phí