Nên làm gì khi lạnh cóng để không vỡ mạch máu?
Lạnh cóng vào mùa đông là tình trạng giá lạnh của một bộ phận cơ thể (thường là phần da), khi tiếp xúc với nhiệt độ quá thấp. Đó là biểu hiện của tình trạng hoại tử tế bào, tạo thành những đám da phù nề màu đỏ sẫm, hay gặp ở các ngón chân và tay, và có thể thấy ở mũi hay tai. Nguyên nhân do lạnh, làm cho các mạch máu ngoại vi dưới da bị co lại, khiến máu lưu thông chậm, gây thiếu ôxy ở vùng cần nuôi dưỡng. Khi được làm ấm đột ngột, mạch máu sẽ bị vỡ, kết quả là dễ dẫn tới viêm, sưng nề, ngứa và đau. Vì vậy khi bị lạnh cóng, cần có những cách xử trí đúng để hạn chế tổn thương.

Xử trí đúng
Khi phát hiện bị lạnh cóng điều đầu tiên cần làm là cách ly với giá lạnh, sau đó làm nóng vùng da này một cách dần dần.
- Sưởi ấm các vùng như tai, mặt, mũi, các ngón tay, ngón chân bằng hơi thở ấm của mình hoặc áp phần chân tay có quần áo ấm vào nơi da bị lộ ra ngoài. Tránh để phần cơ thể bị cóng nhiễm lạnh thêm.
- Nếu có thể, tiếp tục chườm ấm, ủ ẩm vùng da bị tổn thương hoặc có thể ngâm vùng da lạnh cóng vào nước ấm trong 10 – 15 phút. Cũng có thể sưởi ấm bàn tay lạnh cóng vào nách.
- Đắp chăn, ủ ấm và nằm nghỉ trong nhà hoặc nơi kín gió.

Lưu ý:
- Tuyệt đối không hơ lửa sưởi ấm lại ngay vùng bị lạnh cóng vì lúc đó, tại nơi tổn thương gây mất cảm giác, nếu hơ lửa sẽ khiến rộp da, vỡ mạch máu…
- Không chà xát hoặc xoa bóp phần cơ thể bị lạnh cóng để tránh gây tổn thương mô.
- Nếu có thể, tránh đi lại khi chân bị tê cóng
Nguồn: Tổng hợp
Nghi ngờ có dấu hiệu mắc bệnh?